KOL, KOC, KOS: Sự bùng nổ của Influencer Marketing
Tận dụng tốt thế mạnh của Influencer Marketing sẽ giúp doanh nghiệp đạt được nhiều hiệu quả cộng hưởng trong chiến dịch truyền thông, đưa sản phẩm và thương hiệu đến gần hơn với công chúng.
1- Các thuật ngữ về Influencer Marketing: KOL, KOC, KOS
“KOL” (Key Opinion Leader) là những người có ảnh hưởng đến cộng đồng nhờ kiến thức chuyên sâu của họ trong lĩnh vực hay ngành nghề nào đó. Họ có thể là nhà báo, doanh nhân, chính trị gia hay người nổi tiếng… và không nhất thiết phải sử dụng mạng xã hội vì bản thân họ được cộng đồng công nhận vì có chuyên môn trong một ngành nghề, lĩnh vực nhất định.
“KOC” (Key Opinion Consumer) là những người tiêu dùng có sức ảnh hưởng trên thị trường. KOC có trải nghiệm đa dạng và chân thực về sản phẩm, có sự thấu hiểu về cảm xúc, nhu cầu và nắm bắt tốt tâm lý người tiêu dùng. Do đó, KOC có vai trò quan trọng tác động gia tăng niềm tin của người tiêu dùng vào sản phẩm và ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của họ.
“KOS” (Key Opinion Sales) là những người sáng tạo nội dung có kỹ năng bán hàng chuyên nghiệp. Họ có hiểu biết về sản phẩm và thương hiệu; đồng thời có khả năng truyền tải thông tin đó đến người mua hàng một cách sinh động và đáng tin cậy. KOS được chia thành 2 nhóm, bao gồm: “KOS thuộc thương hiệu” thường là nhân viên của một thương hiệu/nhãn hàng và “KOS không thuộc thương hiệu” thường là những người livestream tự do.
Ngày càng xuất hiện nhiều thuật ngữ về Influencer Marketing
Giữa 3 thuật ngữ phổ biến về Influencer Marketing, KOS đang là xu hướng mới rất được ưa chuộng trên thị trường thời gian gần đây. Theo thông tin từ AccessTrade Việt Nam, tính từ đầu năm 2024 đến nay, trung bình mỗi tháng đang có khoảng 2,5 triệu lượt livestream bán hàng trên các nền tảng trực tuyến như Facebook, Shopee và TikTok; hơn 50.000 nhà bán hàng đã tham gia.. Trong đó, trung bình người Việt dành ra 13 tiếng mỗi tuần để mua sắm trên livestream. Điều này chứng tỏ rằng KOS có thể trở thành một ngành nghề “HOT” với nhiều tiềm năng phát triển.
Một vài ví dụ KOS điển hình có thể kể đến thành công của cặp đôi Lucie Nguyễn – Tuấn Dương với doanh số gần 26,5 tỷ đồng sau 15 giờ livestream trên TikTok ngày 4/4 vừa qua. Hay Phạm Thoại từng bán hơn 75.000 đơn hàng chỉ trong 24 giờ livestream, thu về doanh thu hơn 1,2 tỷ đồng mỗi tháng chỉ riêng từ việc bán hàng trên nền tảng TikTok.
2- Phân biệt KOL – KOC – KOS: Vai trò của từng nhóm trong hoạt động Marketing
Tùy vào mục đích khác nhau của từng chiến dịch Marketing, doanh nghiệp có thể dựa trên điểm khác biệt về vai trò của mỗi nhóm Influencer để đưa ra quyết định lựa chọn đúng đắn, phù hợp và tối ưu chi phí cũng như hiệu quả.
KOS là một khái niệm mới nhưng có tiềm năng phát triển vô cùng lớn
Dưới đây là những điểm khác biệt cơ bản của 3 nhóm KOL – KOC – KOS dựa trên hai tiêu chí: Định hướng phát triển nội dung và Tầm ảnh hưởng của từng nhóm.
Tiêu chí | KOL | KOC | KOS |
---|---|---|---|
Định hướng phát triển nội dung | - Nội dung liên quan nhiều đến định vị thương hiệu cá nhân - Ít hạn chế về định hướng nội dung | - Nội dung liên quan đến thông tin, đánh giá và khuyến nghị chuyên môn về sản phẩm hoặc dịch vụ - Ít hạn chế về định hướng nội dung | - Nội dung chủ yếu về các thông tin về sản phẩm hoặc thương hiệu |
Tầm ảnh hưởng | - Số lượng người theo dõi lớn, có chung mối quan tâm về lĩnh vực mà KOL đang hoạt động - Có ảnh hưởng không nhỏ tác động đến hành vi và quyết định mua sắm của những đối tượng mục tiêu | - Số lượng người theo dõi ít hơn so với KOL hay KOS - Có thể có ảnh hưởng đến ý kiến của cộng đồng cụ thể nhưng không nhất thiết ảnh hưởng đến quyết định mua sắm của họ | - Số lượng người theo dõi từ vài nghìn đến hàng triệu người - Dễ dàng tạo dựng niềm tin đối với người mua và gia tăng khả năng chốt đơn |
3- Công thức chọn Influencer Marketing hiệu quả
Đứng trước vô số cơ hội thu hút khách hàng nhờ những người có ảnh hưởng, việc lựa chọn Influencer cho hoạt động Marketing đòi hỏi doanh nghiệp nắm bắt đúng “công thức” để đạt được hiệu quả truyền thông tối ưu.
Lựa chọn Influencer cho mỗi chiến dịch, không thể không cân nhắc nguyên tắc 3R với:
Nguyên tắc về REACH (Độ phủ)
Độ phủ được tính bằng số lượng người theo dõi (Follower) hay mức độ Influencer được nhận diện bởi công chúng. Đây cũng chính là thước đo để chia bậc Influencer từ nhỏ, trung bình đến to, bao gồm: Nano – Micro – Macro – Mega.
Ví dụ đối với KOL: Nano-KOL có từ 1.000 đến 10.000 Follower, Micro-KOL có từ 10.000 đến 100.000 Follower hay Mega-KOL có từ trên 1.000.000 Follower.
Việc lựa chọn KOL, KOC hay KOS có mức ảnh hưởng như thế nào phụ thuộc vào ngân sách của chiến dịch Marketing và sản phẩm của doanh nghiệp. Tuy nhiên, không phải càng lựa chọn người có lượng Follower lớn thì càng đem lại hiệu quả cao vì đôi khi chọn người có tầm ảnh hưởng đến quá nhiều nhóm đối tượng lại không “nhắm” trực diện vào nhóm khách hàng mục tiêu của nhãn hàng.
Nguyên tắc về RELEVANT (Sự phù hợp)
Influencer cần có một sự phù hợp nhất định đến thương hiệu hay sản phẩm của nhãn hàng, dựa trên 3 yếu tố:
- Target Audience Relevance: Sự phù hợp về nhân khẩu học giữa những đối tượng mục tiêu của thương hiệu, nhãn hàng và nhóm Follower của Influencer.
- Personality Relevance: Sự phù hợp về mặt hình ảnh, tính cách của cá nhân Influencer đối với hình ảnh của thương hiệu, nhãn hàng.
- Content Relevance: Sự phù hợp về những quan điểm, nội dung, phương thức thể hiện do Influencer sáng tạo với hình ảnh của thương hiệu và định hướng, thông điệp mà họ muốn truyền tải trong chiến dịch Marketing.
Nguyên tắc về RESONANCE (Chỉ số cộng hưởng)
Chỉ số cộng hưởng dựa trên nhiều yếu tố, không chỉ quyết định bởi một mình Influencer mà còn dựa trên độ uy tín của nhãn hàng, nội dung thông điệp và những nguồn lực khác của chiến dịch. Tính toán càng kỹ lưỡng để vận dụng tối đa chỉ số cộng hưởng, khả năng thành công của chiến dịch khi có sự góp sức của Influencer càng cao.
Chiến dịch Sống một đời có “lãi” thành công với nhiều chỉ số cộng hưởng
Ví dụ với một chiến dịch truyền thông GAPIT Media thực hiện: Sống một đời có “lãi” của VietinBank kết hợp với nghệ sĩ Đen Vâu, chỉ số cộng hưởng vô cùng lớn từ hiệu ứng truyền thông đa kênh. Sự đón nhận của Đồng âm kết hợp với hiệu quả cộng hưởng từ rất nhiều KOL, KOC trên các kênh social như Facebook, TikTok với những nội dung truyền cảm hứng đã viral tự nhiên từ khóa #songmotdoicolai với những kết quả tích cực:
- Hơn 5000 bài viết với hashtag Songmotdoicolai trên Facebook;
- Hơn 11,6 triệu lượt xem với hashtag Songmotdoicolai trên TikTok.
Thêm sự cộng hưởng từ Show của Đen tổ chức tại Hà Nội, chiến dịch thu về lượng tương tác tốt không chỉ trong cộng đồng Đồng âm mà còn tạo được tiếng vang, độ phủ rộng khắp trên mạng xã hội và trên các trang tin tức, thu hút fan của Hà Anh Tuấn – khách mời đặc biệt trong liveshow…
Ngoài ra, tiêu chí cộng hưởng khác cần quan tâm đó là ngân sách chiến dịch và sau đó, doanh nghiệp cần đo lường hiệu quả để rút kinh nghiệm cho việc lựa chọn Influencer Marketing ở chiến dịch tiếp theo.
▶▶▶ Xem thêm các chiến dịch thành công cùng Influencer Marketing của GAPIT Media
Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung của chúng tôi.
Xem tài liệu về Digital Maketing Trends Ở ĐÂY